1. Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do Influenza virus lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa Đông, Xuân. Các chuyên gia cảnh báo, đỉnh điểm mùa cúm có thể rơi vào khoảng tháng 2-4 và tháng 9-10 hằng năm.
Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền...
Năm nay đặc biệt là lạnh hơn mọi năm, do đó bệnh nhiều hơn và dễ nặng hơn. Còn bản chất vi-rút cúm không mạnh hơn, chỉ là càng lạnh vi-rút càng sông lâu ngoài môi trường.
2. Đối tượng mắc cúm:
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm mùa (ngay cả những người khỏe mạnh) và các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Một số người có nguy cơ cao bị biến chứng như: Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên; Người mắc một số bệnh mãn tính (hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch…); Phụ nữ mang thai; Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi.
3. Triệu chứng về bệnh:
Cúm mùa có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cúm mùa khác với cảm lạnh. Cúm mùa thường xuất hiện đột ngột.
Những người mắc cúm mùa có một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
-
Sốt hoặc cảm thấy có dấu hiệu sốt/ớn lạnh. Tuy nhiên có một số người không bị sốt;
-
Viêm họng, đau họng, rát họng;
-
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
-
Đau đầu; Mệt mỏi;
-
Một số người còn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Triệu chứng này thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.
4. Dấu hiệu trở nặng:
Trẻ em sốt trên 40 độ C hoặc trẻ dưới 12 tuần sốt kéo dài; hoặc sốt đã giảm nhưng sau đó sốt trở lại hoặc nặng hơn; Thở nhanh hoặc khó thở; Môi hoặc mặt xanh, tím tái; Lồng ngưc hoặc sườn kéo căng hoặc rút lóm theo từng hơi thở; Đau ngực cả khi bình thường hoặc khi hít thở; Đau cơ nghiêm trọng (trẻ không chịu đi lại); Mất nước (da khô, mắt trũng, không có nước tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc…); Mệt mỏi, li bì,không có phản ứng khi đánh thức; Co giật hoặc động kinh; …
Ở người lớn, nhất là người cao tuổi hoặc người có bệnh nền, sốt hoặc ho được cải thiện nhưng sau đó quay trở lại hoặc nặng hơn; Khó thở hoặc thở ngắn, thở rít, thở nhanh…; Đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở ngực hoặc bụng; Chóng mặt kéo dài hoặc lú lẫn, hoặc mệt mỏi, li bì, không tỉnh táo; Co giật hoặc động kinh…; Không đi tiểu được hoặc nước tiểu rất ít; Đau cơ nghiêm trọng; Tình trạng bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn.
5. Biến chứng của cúm mùa:
Hầu hết những người bị cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng (như viêm phổi) do cúm. Những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.
Nhiễm trùng xoang và tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm gây ra, trong khi viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn.
Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể do cúm gây ra có thể bao gồm viêm tim (viêm cơ tim), não (viêm não) hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan (ví dụ như suy hô hấp và suy thận). Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể kích hoạt phản ứng viêm cực đoan trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng.
Cúm cũng có thể làm cho các vấn đề bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, những người mắc bệnh hen suyễn có thể trải qua các cơn hen trong khi họ bị cúm và những người mắc bệnh tim mãn tính có thể gặp phải tình trạng tồi tệ hơn do cúm gây ra.
6. Phòng ngừa bằng cách:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, Ăn đầy đủ dưỡng chất, rau xanh, uống đủ nước. Ngủ đủ giấc. Thể dục thể thao. Quản lý stress.
- Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc công cộng, che miệng khi hắt hơi.
- Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
- Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.